Tranh luận về giả thuyết thị trường hiệu quả Giả_thuyết_thị_trường_hiệu_quả

  • Nếu tất cả những người tham gia thị trường đều chấp nhận giả thuyết thị trường hiệu quả thì họ có thể sẽ không quan tâm đến các thông tin mới nữa và khi đó giá cả sẽ không phản ánh đầy đủ các thông tin này. Tuy vậy những nhà lý thuyết thị trường hiệu quả lập luận rằng không phải tất cả mọi người đều phản ứng như thế, hơn nữa nếu có tình trạng đó thì sẽ có những người thu được lợi nhuận thặng dư dựa trên các thông tin cũ khiến cho nhiều người sẽ cùng hành động tương tự và kết quả là thị trường lại trở về trạng thái hiệu quả. Tóm lại, thị trường hiệu quả là một cơ chế tự giám sát và ở trạng thái ổn định.
  • Trong số những người tham gia thị trường sẽ có một số hoặc nhanh nhạy, thông minh hơn hoặc có rất nhiều nguồn lực để thu thập thông tin nhằm giảm thiểu khả năng có những bất thường trong tương lai thì điều gì sẽ xảy ra? Câu trả lời là có không ít những người như vậy trên thị trường và sự cạnh tranh giữa họ sẽ tạo ra cơ chế kiểm soát, tự cân bằng để không có lợi nhuận thặng dư cao. Tuy nhiên một số rất ít người có sự nhạy bén và khả năng đặc biệt có thể thu được lợi nhuận cao hơn những người còn lại.

Tuy vậy giả thuyết thị trường hiệu quả không giải thích được một cách thuyết phục những hiện tượng sau:

  • Sự sụt giảm mạnh mẽ của giá cả chứng khoán trong những thời điểm nào đó ví dụ như đã xảy ra ở thị trường chứng khoán Mỹ từ 15 tháng 10 đến ngày Thứ Hai Đen 19 tháng 10 năm 1987. Khi nhà kinh tế học James Tobin[5] nói rằng: không có một yếu tố hữu hình nào có thể tạo ra sự chênh lệch đến 30% trong giá trị cổ phiếu thì các lý thuyết gia của thị trường hiệu quả không thể đưa ra được lập luận phản bác.
  • Giả thuyết thị trường hiệu quả tỏ ra đúng với những cổ phiếu riêng rẽ chứ không hoàn toàn đúng đối với toàn bộ thị trường. Thị trường chứng khoán trong dài hạn có những biến động tự đảo ngược rõ rệt mà nhiều nhà kinh tế học cho rằng đó là kết quả của tâm lý chung của hầu hết những người tham gia thị trường. Khi thị trường bị ảnh hưởng bởi làn sóng tâm lý thì trên góc độ vĩ mô không một nỗ lực cá nhân nào có đủ nguồn lực để đảo ngược.

Những hạn chế này của giả thuyết thị trường hiệu quả đã thúc đẩy các nghiên cứu đưa đến lý thuyết kinh tế học hành vi nói chung và tài chính hành vi học nói riêng.